Tham dự “Hội nghị đối tác châu Á- Thái Bình Dương” của Liên minh quyền trẻ em châu Á và mạng lưới

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị đối tác châu Á -Thái Bình Dương của Liên minh quyền trẻ em Châu Á tổ chức từ ngày 20-23/8/2023 tại Manila – Philippines với sự tham dự của khoảng 45 đại biểu đến từ các tổ chức thành viên của Liên minh và một số đối tác ở khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Myanma, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanca, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đây là hoạt động định kỳ của Liên minh được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin và các bài học kinh nghiệm về bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em tại các tổ chức thành viên và đối tác để cùng giải quyết các vấn đề chung về đảm bảo quyền trẻ em của khu vực.

Đặc biệt, trong hôi nghị lần này, các đại biểu đã được tham gia vào phiên đối thoại với đoàn đại biểu trẻ em tham gia cuộc “Gặp gỡ trẻ em khu vực” từ ngày 17-21/8/2023 tại Manila.

Phiên đối thoại với trẻ em

Phiên đối thoại với trẻ em

Trong phiên đối thoại, các đại biểu đã được nghe đoàn trẻ em trình bày 3 nội dung chính thông qua kịch tình huống, sản phẩm vẽ, hát… Nội dung bao gồm những hoạt động cụ thể mà trẻ đã làm để thực hiện quyền trẻ em tại địa phương; những vấn đề liên quan tới trẻ mà trẻ quan tâm hiện nay; những đề xuất/kiến nghị đối với CRC Asia và các nước thành viên.

Các đại biểu đã có những chia sẻ đối với phần trình bày của trẻ: đánh giá cao những nội dung mà trẻ thảo luận cũng như cách trình bày sáng tạo, tự tin của trẻ. Đại biểu cũng khuyến khích trẻ tham gia tích cực hơn nữa trong các hoạt động ở địa phương để cùng với các cơ quan, tổ chức làm về trẻ em có những tác động mạnh mẽ hơn nữa để cùng giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em mang tính khu vực và toàn cầu, đặc biệt là đảm bảo quyền cơ bản như quyền tiếp cận giáo dục, quyền được sống, được chăm sóc sức khoẻ… đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ di dư, trẻ em lao động và trẻ dễ bị tổn thương khác.

Từ ngày 21-23/8, các đại biểu đã được khách mời đến từ thành viên của Uỷ ban Quyền trẻ em của LHQ chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới vai trò cũng như nỗ lực của Ủy ban trong thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại các quốc gia thành viên. Đặc biệt, đại diện từ Uỷ ban Quyền trẻ em của LHQ cũng đã có phần chia sẻ trực tuyến về Bình luận chung số 26 về quyền trẻ em với môi trường và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Uỷ ban nhận thức về biến đổi khí hậu cũng chính là sự khủng hoảng về quyền trẻ em. Dự kiến công bố Bản bình luận chung số 26 vào ngày 18/9/2023 trong phiên họp thứ 94 của Uỷ ban tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Các đại biểu cũng được cập nhật thông tin về Bản Hướng dẫn lồng ghép quyền trẻ em của Tổng thư ký LHQ từ đại diện của Uỷ ban Nhân quyền của LHQ đồng thời cũng cập nhật các hoạt động của Uỷ ban QTE của LHQ để thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em ở các quốc gia thành viên tham gia Công ước.

Đại biểu trình bày nội dung theo chủ đề tại hội nghị

Đại biểu trình bày nội dung theo chủ đề tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và cùng thảo luận về các chủ đề mà nhiều quốc gia thành viên quan tâm bao gồm: Trẻ em với không gian dân sự; Lồng ghép quyền trẻ em; Sức khoẻ tâm thần của trẻ em; Trẻ em và việc lạm dụng chất gây nghiện. Giáo dục tình dục; Trẻ em, đối tác cùng giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Đại diện các tổ chức thành viên cũng đã có phần chia sẻ kinh nghiệm và những nỗ lực trong thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em như Plan quốc tế, tổ chức cứu trợ trẻ em khu vực châu Á, Quỹ hỗ trợ trẻ em Thái Lan, ChildFund Philippine… Đại diện của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có bài chia sẻ về các hoạt động của Hội nhằm thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của trẻ em”. Đại biểu cũng được nghe đại diện từ Nepal giới thiệu mô hình tư vấn về sức khoẻ tâm thần cho trẻ được xây dựng thí điểm tại Nepal, với những kết quả đạt được bước đầu tiến tới vận động để đưa vào chương trình quốc gia về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Nepal. Đại biểu đến từ doanh nghiệp xã hội của Thái Lan đã có phần chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết các ảnh hưởng của chất gây nghiện đối với trẻ em. Bên cạnh đó những tác động của chất gây nghiện đối với sự phát triển của trẻ cũng được đại biểu đến từ Viện dịch vụ tâm lý MLAC Philippine chia sẻ.

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trình bày tại Hội nghị

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trình bày tại Hội nghị

Nhiều vấn đề liên quan tới trẻ em mang tính khu vực và toàn cầu đã được các chuyên gia của nhiều nước tham gia chia sẻ. Điều này cho thấy đây là vấn đề chung cũng như huy động sự tham gia của các tổ chức làm trong lĩnh vực trẻ em của từng quốc gia cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để cùng tham gia giải quyết các vấn đề trẻ em cấp khu vực và cấp toàn cầu. Sự tham dự của đại diện Uỷ ban Quyền trẻ em, Uỷ ban Nhân quyền của LHQ tại hội nghị đã giúp cho các đại biểu hiểu hơn về vai trò cũng như nỗ lực của các Uỷ ban của LHQ trong giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Bà Amihan, Giám đốc điều hành Khu vực của Liên minh Quyền trẻ em châu Á phát biểu tổng kết hội nghị

Bà Amihan, Giám đốc điều hành Khu vực của Liên minh Quyền trẻ em châu Á phát biểu tổng kết hội nghị

Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia trực tuyến của trẻ em Thái Lan và Malaysia chia sẻ ý kiến và kiến nghị của trẻ em về vấn đề sức khoẻ tâm thần và trẻ em với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cơ hội để lắng nghe ý kiến của trẻ em khu vực về những vấn đề mà các em quan tâm hiện nay, từ đó tăng cường sự kết nối và sự tham gia của trẻ em cùng với các tổ chức thành viên của Liên minh trong giải quyết những vấn đề mang tính khu vực liên quan trực tiếp tới các em trong thời gian tới

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *