THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em trao “Giải thưởng Báo chí về trẻ em”

Ngày 6 tháng 4 năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tổ chức lễ trao giải “Giải thưởng

Báo chí về trẻ em” nhằm tôn vinh các nhà báo và cơ quan báo chí có nhiều đóng góp, đã có những bài viết hay về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong năm qua; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí về bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Trẻ em và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được tổ chức.

Giải thưởng dành cho tất cả phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên là công dân Việt Nam có tác phẩm đăng, phát trên các cơ quan báo chí, gồm báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của Việt Nam. Các tác phẩm có nội dung phản ánh thực trạng trẻ em, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay, phát hiện những vấn đề bức xúc của trẻ em, phê phán những hành vi vi phạm về quyền trẻ em, việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, giới thiệu những điển hình, mô hình tốt, kinh nghiệm hay về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như những mong muốn, nguyện vọng của trẻ em.

Giải thưởng được phát động từ tháng 6/2017 đến tháng 3/2018 trên quy mô toàn quốc, đã thu hút sự tham gia của hơn 100 tác giả và nhóm tác giả đến từ nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với hơn 250 tác phẩm thuộc cả 04 loại hình báo chí.

Hơn 250 tác phẩm dự thi, mỗi tác phẩm chứa đựng những thông điệp khác nhau nhưng đều hướng tới phản ánh thực tiễn đời sống của trẻ em hiện nay. Bên cạnh những bài báo phản ánh gương điển hình với những hành động đẹp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe tiếng nói trẻ em từ cộng đồng, còn có nhiều tác phẩm đi sâu vào những mặt trái của xã hội mà trẻ em phải chịu đựng, như sự bạo hành cả về thể chất và tinh thần khi trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị tảo hôn hay bị bóc lột sức lao động…Không chỉ dày công tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin để phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống của trẻ em, nhiều tác phẩm đã đi sâu phân tích và đưa ra giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trong tình hình hiện nay.

36 tác phẩm xuất sắc thuộc 04 loại hình báo chí được trao giải, gồm có 04 giải Nhất (mỗi giải 10 triệu đồng), 08 giải Nhì (mỗi giải 05 triệu đồng), 08 giải Ba (mỗi giải 03 triệu đồng) và 16 giải Khuyến khích (mỗi giải 02 triệu đồng). Tổng giá trị giải thưởng lên đến 136 triệu đồng.

Giải thưởng “Báo chí về trẻ em” nhận được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh; Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Quỹ học bổng         Vừ A Dính; Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ.

Ông Đỗ Đức Ngọ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định những tác phẩm báo chí viết về trẻ em có sự ảnh hưởng mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng. Nhiều vấn đề bức xúc của trẻ em đã được giải quyết với sự lên tiếng của người dân, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để không chỉ can thiệp hỗ trợ trẻ em theo từng vụ việc mà còn có tác động lâu dài, bền vững với các chính sách được điều chỉnh, ban hành mới. “Tôi mong muốn kết nối nhiều hơn nữa với những người làm truyền thông, đặc biệt là các nhà báo chuyên viết về trẻ em để góp phần lên tiếng bảo vệ quyền chính đáng của trẻ em như Điều 92 Luật Trẻ em 2016 quy định về vai trò kết nối thông tin của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Tôi tin với tinh thần “Chung tâm, Chung trí, Chung sức”của cộng đồng, đặc biệt là các nhà báo, mỗi trẻ em đều có cơ hội được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện”.  

Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vấn đề, thách thức mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cũng như đặt ra nhiều vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách về quyền trẻ em cần phải quan tâm. “Tôi thực sự mong rằng buổi lễ ngày hôm nay không phải là sự kết thúc cho giải thưởng của năm 2017 mà còn là khởi đầu cho những hoạt động có ý nghĩa trong những năm tiếp sau. Tôi tin rằng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà báo, các bạn sẽ có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho mọi trẻ em”.

 

Thông tin liên hệ

Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Trần Thái Sơn

Phó Trưởng Ban nghiệp vụ

Điện thoại: 0912 995 895

Email: son.th.tran@gmail.com

 

 

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Dũng

Phó Trưởng ban Truyền thông và

Tổ chức sự kiện

Điện thoại: 0166 8095 880

Email: dungbvte@gmail.com

 

 

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em

Ông Hoàng Việt Dũng

Điều phối viên truyền thông

Điện thoại: 0912 625 704

Email: hoangviet.dung@savethechildren.org

 

BAN TỔ CHỨC

THÔNG TIN VỀ CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG BÁO CHÍ VỀ TRẺ EM

Về Hội Nhà báo Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị- xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, Hội có gần 23.000 hội viên, sinh hoạt trong hơn 280 tổ chức Hội, gồm 63 Hội Nhà báo tại các tỉnh, thành phố, 18 Liên Chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội; là phóng viên, biên tập viên, nhân viên tòa soạn của các cơ quan báo chí; cán bộ cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí; cán bộ làm công tác lý luận, giảng dạy báo chí; cán bộ chuyên trách tại cơ quan Trung ương Hội và Văn phòng HNB các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội.

Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 8 – Luật Báo chí 2016 như sau:

  1. a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên;
  2. b) Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;
  3. c) Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí;
  4. d) Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên;

  1. e) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí;
  2. g) Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;
  3. h) Tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực.

 

Về Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là tổ chức xã hội nhằm tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động, phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Thành lập năm 2008, đến nay Hội đã có 17 hội cấp tỉnh, 01 Hội cấp huyện, 38 Chi hội trực thuộc; 05 Trung tâm trực thuộc ở 23 tỉnh thành phố với hơn 45.000 hội viên.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em.

Về Tổ chức Cứu trợ Trẻ em

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tự hào là tổ chức phi chính phủ hoạt động vì trẻ em hàng đầu trên thế giới. Được thành lập năm 1919, đến nay chúng tôi đang hoạt động tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy những đột phá trong việc chăm sóc trẻ em và đạt được những sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài cho cuộc sống của các em. Chúng tôi tin rằng mọi trẻ em đều xứng đáng có một tương lai. Chúng tôi mang đến cho trẻ em một khởi đầu tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cơ hội để học tập và được bảo vệ khỏi bị xâm hại. Chúng tôi làm tất cả những gì cần phải làm cho trẻ em để thay đổi cuộc sống của các em và tương lai của tất cả chúng ta.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *