Tọa đàm Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển lần thứ ba

TEV: Ngày 29/5/2018, tại Hà Nội, Trung tâm hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập phối hợp với Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Tọa đàm Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển lần thứ 3 với chủ đề: “Xây dựng chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ Rối loạn phổ tự kỷ và các Rối loạn phát triển khác. Đây là Tọa đàm được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để trẻ em rối loạn phát triển có cơ hội đi học hòa nhập tại các trường phổ thông và được hưởng các quyền của mình.

Đại biểu tham dự tọa đàm

Tham dự tọa đàm có: Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập; PGS.TS Phạm Minh Mục, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt – Viện khoa học giáo dục Việt Nam; Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Ban Tổ chức, kết nối mạng lưới Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người (VAEFA); PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, Trưởng khoa giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm CEPEW; Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc trung tâm Sao Mai; Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng hiện nay và đưa ra một số khuyến nghị:

+ Trẻ tự kỷ chưa được công nhận là trẻ khuyết tật và chưa được đưa vào Luật người khuyết tật vì vậy cần đưa vào Luật nội dung này.

+ Bộ GD-ĐT phối hợp các Bộ ngành khác để nắm được số lượng trẻ ở địa phương, hoạch định các giải pháp có liên quan: trang thiết bị, đào tạo giáo viên…

+ Ủng hộ các trung tâm dạy trẻ tự kỷ, các CLB cha mẹ đã được hình thành và đang hoạt động, đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ cho trẻ.

+Tuyên truyền để cộng đồng hiểu hơn về trẻ tự kỷ.

+Học phần về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật nói chung và người có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng cần được đưa vào chương trình đạo tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo có mã ngành sư phạm.

+ Ngành giáo dục cần cụ thể hóa đối tượng nào thì hòa nhập (Chỉ có trẻ tự kỷ chức năng cao), aspenger (chậm phát triển trí tuệ ở mức trung bình) có thể học được hòa nhập.

+ Nhiều cha mẹ trẻ không đồng tình với các từ như “tâm thần, thần kinh vì vậy cần đưa thẳng tên “tự kỷ”.

+ Cần can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ ở trường mầm non (tiền hòa nhập)

Liên quan đến việc nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị về chính sách dành cho trẻ rối loạn phát triển, trước đó, ngày 31/3 /2018, tại Hà Nội, Trung tâm hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập phối hợp với Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển” lần thứ nhất và tiếp tục được tổ chức lần thứ hai vào ngày 19/4/2018, tại Hà Nội. Qua các ý kiến chia sẻ từ 2 lần tổ chức tọa đàm chúng ta nhận thấy:

Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển còn nhiều bất cập

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã quan tâm đến việc học hòa nhập của những người khuyết tậục hòa nhập nói chung. Nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành như: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận học sinh khuyết tật; Miễn giảm học phí; Miễn thi chuyển cấp…Nhờ đó, nhiều người khuyết tật đã được học từ cấp Tiểu học cho đến bậc Đại học.

Học sinh bị Rối loạn phổ tự kỷ và các Rối loạn phát triển khác không được chứng nhận là học sinh khuyết tật, nên không được hưởng các chính sách ưu đãi của Qui chế học hòa nhập.

Việc dạy và học trong trường phổ thông của những học sinh tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn như: Các cơ sở giáo dục chưa có qui chế quản lý giáo dục đối tượng học sinh này; Chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về phương pháp tác động để đảm bảo chất lượng giáo dục;

Học sinh mắc các hội chứng này lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để học hòa nhập trong các trường phổ thông trong khi Ngành Giáo dục rất khuyến khích học sinh khuyết tật nói chung và học sinh gặp trở ngại trong học tập học theo Phương thức học hòa nhập.

Cần các giải pháp từ chính sách

Để đảm bảo Nhóm quyền được phát triển một cách bền vững của trẻ bị rối loạn phát triển cần có sự hỗ trợ của các chính sách để giảm bớt những khó khăn và thực hiện quyền được bình đẳng trong Giáo dục của học sinh. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra các khuyến nghị:

1/ Ngành Giáo dục cần có những hướng dẫn để trẻ khuyết tật nói chung, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng được nhập học tại bất cứ đâu (bất cứ trường, loại hình trường), thời điểm nào trong năm học, và được tạo điều kiện để được hòa nhập và học hòa nhập.

2/ Cho trẻ được sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: Máy tính, máy tính bảng, máy tính bỏ túi…trong quá trình học tập và kiểm tra – thi cử.

3/ Trẻ được thiết kế chương trình, kế hoạch học tập phù hợp với đặc điểm cá nhân (khả năng, nhu cầu, sở thích,  điều kiện sức khỏe, khả năng nhận thức, phương thức giao tiếp…);

4/ Trẻ được xác nhận là một đối tượng trong nhóm trẻ khuyết tật tâm thần kinh hoặc “các dạng khuyết tật khác” (ghi trong Luật Người khuyết tật) và được hưởng những ưu tiên trong học tập, đánh giá và chuyển tiếp như trẻ khuyết tật khác;

5/ Ngành Giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong và ngoài nhà trường về việc chống kỳ thị, tẩy chay, bạo lực học sinh khuyết tật

 Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực tế

Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập đã triển khai Dự án “Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Mô hình chuẩn bị vào lớp 1 cho trẻ khuyết tật trong độ tuổi tiểu học”. Dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tài trợ. Mô hình đã đạt được kết quả tốt, được Bộ GD & ĐT công nhận với 80% trẻ khuyết tật nói chung sau khi được rèn luyện đã hòa nhập được trong các trường phổ thông. Sau khi hoàn thành Dự án, trung tâm đã quan tâmvà tiếp tục hỗ trợ, can thiệp cho một số em gặp khó khăn nhất khi tham gia học hòa nhập. Đến nay, một số em đã học đến lớp 8- lớp 9 hòa nhập trong các trường phổ thông.

Với kinh nghiệm hoạt động từ thực tế của mình, với sự hỗ trợ về chuyên môn từ các chuyên gia, sự đồng hành của các tổ chức xã hội, sau tọa đàm lần ba,Ban tổ chức tiếp tục hoàn thiện bản khuyến nghị để gửi đến các cơ quan chức năng nhằm đề xuất các kiến nghị góp phần mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ rối loạn phát triển.

Mạnh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *