Tôi hỏi 39 học trò, chỉ 1 em biết dùng bình chữa cháy

Giờ ra chơi, tôi hỏi học sinh sẽ làm gì khi có cháy. 38 em nói sẽ bỏ chạy hoặc cầu cứu người lớn, chỉ 1 em tự tin: ‘Em biết dùng bình chữa cháy’.

Tôi hỏi 39 học trò, chỉ 1 em biết dùng bình chữa cháy - Ảnh 1.

Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM tập huấn phòng cháy chữa cháy – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau vụ cháy chung cư Carina, mỗi lần lên lớp tôi thấy học sinh bàn luận sôi nổi. Tôi nghĩ các em rất quan tâm nhưng vẫn thiếu một thứ là được giáo dục bài bản về chuyện tự bảo vệ mình khỏi hiểm nguy.

Giờ ra chơi, tôi hỏi học sinh: “Nếu như gần chỗ em đang đứng có đám cháy nhỏ, em sẽ làm gì?”. 39 em phân vân. Sau một hồi suy nghĩ, các em có cùng quan điểm là bỏ chạy hoặc cầu cứu người lớn. Chỉ duy nhất một em nam tự tin: “Em biết sử dụng bình chữa cháy để dập lửa ạ”.

Nhiều thành tích, yếu kỹ năng

Chỉ 1/39 học sinh có chút kiến thức về phòng cháy chữa cháy, chúng ta ngộ ra điều gì? Chúng ta có giật mình không? Chắc chắn có! Nhưng quan trọng là chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta không thể chỉ hoang mang rồi để đó mà phải tạo cơ hội cho các em được học.

Thực tế với những trẻ không biết giặt quần áo, không biết nấu cơm, mong gì các em biết xử lý khi gặp hiểm nguy? Vậy liệu các bậc cha mẹ có thể yên tâm khi con dù nhiều thành tích học tập nhưng yếu kỹ năng lúc bước ra xã hội? Hay chúng ta sẽ nhấp nhổm, đứng ngồi không yên khi con đi du lịch cùng bạn bè hoặc ở xa cha mẹ?

Thật buồn là khi được tham gia tập dượt phòng chống cháy nổ cách đây bốn năm, tôi để ý thấy các em chỉ ngồi túm tụm nói chuyện hoặc xem điện thoại như người ngoài cuộc. Bởi thế, chẳng có gì lạ khi các em chỉ biết nói “chạy” hoặc cầu cứu người lớn lúc sự cố xảy ra.

Thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết nghĩa là chúng ta đang đánh cược sự an toàn và mạng sống của mình vào tay người khác. Có lẽ trong các nhà trường, việc giáo dục bản năng sinh tồn cho học sinh chưa thực sự được chú trọng?

Chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta vẫn nặng về lý thuyết mà thiếu nội dung ứng xử trước tai họa. Đã đến lúc cần hoàn chỉnh thêm các kỹ năng ứng xử trước tai họa, thiên tai, hiểm nguy cho trẻ”

Phi Khanh Nguyễn

Bình tĩnh vượt qua hiểm nguy

Tôi nhớ câu chuyện em bé 7 tuổi người Nhật Bản Yamato Tanooka bị lạc do cha mẹ bỏ lại trong khu rừng có nhiều gấu vào năm 2016.

Tại sao một em bé 7 tuổi đi lạc vẫn biết những kỹ năng cơ bản là khi tìm được căn nhà nhỏ, cậu dù còn bé vẫn biết dùng nệm để giữ ấm cơ thể, uống nước để cầm hơi. Thế mới biết kỹ năng mà mỗi người tự thâu nạp có thể cứu sống bản thân khi nguy cấp.

Nhưng thực tế, trẻ em bây giờ mấy em biết bơi? Bao nhiêu em có những kỹ năng thoát hiểm khi gặp đám cháy? Bao nhiêu em biết những “mánh” xử lý khi bị lạc hoặc bị xâm hại?

Có lẽ các em đang được cha mẹ dành trọn vẹn thời gian trong ngày để học thêm, học đàn, học vẽ… May mắn hơn, nhiều em được cha mẹ cho đi học thêm kỹ năng ở các khóa học ngắn hạn vào ngày hè nhưng kỹ năng phải được rèn giũa từng ngày, từng giờ chứ không thể giỏi chỉ trong một khóa học.

Rủi ro các em có thể gặp bất cứ lúc nào như bị đánh hội đồng, bị xâm hại tình dục. Bởi thế, khi thiếu hụt những bài học về kỹ năng bảo vệ mình, ai có thể cứu các em?

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất trẻ được thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, kỹ năng sống của một bộ phận giới trẻ đang bị giới hạn trong những giờ học thêm.

Cha mẹ đang ảo tưởng về những điểm số đẹp, về các thành tích con mang về với những lời khen. Vì thế, nếu làm một cuộc khảo sát trẻ từ lớp 6 đến lớp 12, tôi dám chắc phần lớn các em đều mù tịt những kỹ năng tự bảo vệ mình.

Chắc chắn tỉ lệ trẻ mang tâm lý thụ động, phụ thuộc cha mẹ không nhỏ. Và còn một thực tế khác, ngay chính bản thân nhiều bậc phụ huynh cũng đang thiếu những kỹ năng này.

Chuyện cháy sẽ chỉ ồn ào trong thời gian ngắn rồi chìm vào quên lãng. Trẻ dù thiếu kỹ năng vẫn “bình chân như vại” nhìn và xem chuyện cháy ở một nơi rất xa xôi. Điều cần thiết chính là sớm hoàn chỉnh các kỹ năng ứng phó cho các em, dạy các em biết cháy có thể xảy ra ở bất cứ đâu dù ở nơi tưởng an toàn nhất. Vì thế, cơ hội sống sót, cơ hội bình an của mỗi người phụ thuộc vào kiến thức tích lũy của bản thân. Đồng thời, sự hiểu biết, ý thức của mỗi người còn góp phần tạo sự bình an cho cả cộng đồng.

Phi Khanh Nguyễn

Bản năng sinh tồn vốn sẵn có trong mỗi người. Tuy nhiên, kỹ năng này thường chỉ được tăng lên nhờ học hỏi, rèn luyện từng ngày. Trẻ nhỏ cần được đào tạo các kỹ năng thực tế, bằng những việc làm cụ thể.

Hiểm nguy có thể rình rập và đến bất cứ lúc nào. Và các em cần được giáo dục sự vững vàng, bình tĩnh và bản lĩnh vượt qua hiểm nguy.

Nguồn tuoitre.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *