Tổng kết dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội”

Ngày 21 tháng 12 năm 2021 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” được thực hiện từ tháng 9/2020 – 12/2021 với nguồn hỗ trợ Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (Quỹ JIFF) với gần 50 đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Đã có khoảng 32.800 người đã được truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống XHTDTE và tìm kiếm sự hỗ trợ khi trẻ trở thành nạn nhân bị XHTD; 20 ca liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em đã được tư vấn, hỗ trợ pháp luật và tâm lý; gần 130 người đã được nâng cao năng lực về quy trình tố tụng thân thiện, quy trình hỗ trợ y tế và kỹ năng làm việc thân thiện, kỹ năng tham vấn với trẻ em là nạn nhân bị XHTD; 01 bản khuyến nghị về thúc đẩy quy trình tố tụng thân thiện và chăm sóc, hỗ trợ y tế đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục đã được soạn thảo; 5 cuốn cẩm nang hướng dẫn và 3 phim hoạt hình truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và hỗ trợ cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục đã được hoàn thành. Đó là những số liệu mà dự án đã đạt được trong 15 tháng triển khai hoạt động trong bối cảnh mọi mặt của đời sống xã hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.

Để đạt được mục tiêu Nâng cao nhận thức cộng đồng về cách thức xử lý, thu thập chứng cứ, yêu cầu sự trợ giúp và hỗ trợ pháp lý khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục”, Hội đã xây dựng 3 sản phẩm truyền thông với thông điệp “Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây” bao gồm 2 tập phim hoạt hình và 1 cuốn cẩm nang dành cho cha mẹ và trẻ em trong phòng chống XHTD TE và hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân bị XHTD. Những sản phẩm này đã được sử dụng trong chiến dịch truyền thông do Hội phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững triển khai từ 24/3-25/4/2021.

Tọa đàm livestream “Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây” mở đầu chiến dịch truyền thông

Chương trình livestream trực tuyến “Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây” được tổ chức mở đầu cho chiến dịch truyền thông với sự tham gia của ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ LĐTBXH, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch thường trực Hội và các chuyên gia tâm lý trẻ em. Trong chương trình, khách mời đã chia sẻ về những chính sách, pháp luật trong phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi bị XHTD cùng với những kỹ năng mà cha mẹ cần để hướng dẫn, bảo vệ con trước các nguy cơ bị XHTD. Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn lượt người truy cập

Chương trình livestream “XHTDTE: đương đầu hay thỏa hiệp” với sự tham gia của lãnh đạo Hội, luật sư và chuyên viên tư vấn hỗ trợ ca của Ngôi nhà Bình yên đã có những chia sẻ về những lý do được – mất của sự thỏa hiệp và những thách thức, khó khăn lựa chọn đương đầu trên con đường đi tìm công lý của những gia đình trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Tọa đàm livestream tổng kết chiến dịch truyền thông

Hai chương trình đều được livestream trực tuyến trên trang fanpage Lan tỏa yêu thương và Hội BVQTEVN, và các trang cá nhân những khách mời là người nổi tiếng như nhà báo Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) đã tiếp cận tới hơn 31.000 lượt người, vượt chỉ tiêu mà dự án đề ra.

Chương trình cũng đã được báo chí truyền thông đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp cho thông tin về phòng chống XHTDTE của dự án có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Bên cạnh đó 3 buổi truyền thông trực tiếp cộng đồng được tổ chức tại phường Phú Lãm – quận Hà Đông, xã Hợp động – huyện Chương Mỹ và thị trấn Tây Đằng – huyện Ba Vì của HN đã thu hút sự tham gia của hơn 182 cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cán bộ địa phương.

Diễn tiểu phẩm truyền thông tại cộng đồng

Thông qua những tình huống cụ thể mà trẻ em có thể trở thành nạn nhân bị XHTD, các chuyên gia đã phân tích những nguy cơ, hậu quả của XHTDTE đồng thời cung cấp những thông tin về xử lý hành vi XHTDTE và hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cán bộ xã hội về cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn khi trẻ trở thành nạn nhân của XHTD

Các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ trong phòng ngừa và tìm kiếm sự hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại tình dục đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương trong việc tăng cường truyền thông và cách thức truyền thông cho người dân ở địa phương về chủ đề liên quan tới phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại địa phương.

Phân tích tình huống trong buổi truyền thông cộng đồng

Từ kết quả “Nghiên cứu đánh giá về thực trạng thực hiện quy trình tố tụng thân thiên và hỗ trợ y tế đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục” được triển khai tại 6 quận/huyện của Hà Nội là quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, huyện Chương Mỹ, Ba Vì và thị trấn Sơn Tây với sự tham gia của hơn 230 người là cán bộ chính quyền địa phương, luật sư, công an, tòa án, viện kiểm sát, bác sĩ, giám định viên, cha mẹ và trẻ em là nạn nhân… đã cung cấp những số liệu cụ thể về thực trạng thực hiện quy trình tố tụng thân thiện và hỗ trợ y tế cho trẻ em bị XHTD để từ đó có những khuyến nghị cụ thể góp phần hỗ trợ tiếp cận tư pháp nhanh và hiệu quả nhất đối với trẻ và gia đình trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Cùng với những kết quả nghiên cứu, từ thực tiễn của công tác tư vấn, hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục, VACR đã xây dựng 2 bộ tài liệu hướng dẫn về hỗ trợ y tế cho trẻ em bị xâm hại tình dục dành cho nhóm hỗ trợ y tế như bác sĩ, cán bộ y tế, cán bộ tư vấn tâm lý… và bộ tài liệu hướng dẫn về quy trình tố tụng thân thiện đối với trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục dành cho nhóm thực thi pháp luật như công an, tòa án, viện kiểm sát, luật sư… Bộ tài liệu đã đưa ra những nội dung cơ bản, hữu ích và thuận tiện cho việc các cơ sở ở địa phương, những người làm trực tiếp hỗ trợ y tế và thực thi pháp luật tại cộng đồng có thể sử dụng và áp dụng linh hoạt tùy theo thực tế tại địa phương khi tiếp nhận những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục cần hỗ trợ.

Thực hiện nghiên cứu tại quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội

Bên cạnh đó các lớp tập huấn – hội thảo chuyên đề về quy trình tố tụng thân thiện, kỹ năng làm việc thân thiện với trẻ em trước, trong và sau quá trình tố tụng, quy trình hỗ trợ y tế, tham vấn tâm lý và hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục cũng đã được Hội BVQTEVN tổ chức với sự tham gia của các khách mời là đại diện cơ quan Nhà nước như Bộ Tư pháp, Bộ LĐTBXH, luật sư bảo vệ trẻ em, chuyên gia tư vấn tâm lý cho trẻ em Các diễn giả đã cung cấp những thông tin về quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước, quy định hướng dẫn về chăm sóc, hỗ trợ y tế cho trẻ bị XHTD và những kiến thức, kỹ năng làm việc thân thiện với trẻ em trong quá trình tố tụng đã góp phần nâng cao nhận thức trong bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị XHTD cho nhóm cán bộ thực thi pháp luật và nhóm hỗ trợ y tế và những người làm công tác trẻ em tại địa phương.

Tập huấn – hội thảo trực tuyến chuyên đề về quy trình tố tụng và hỗ trợ y tế cho trẻ bị xâm hại tình dục

Cùng với đó để đạt được mục tiêu này, hội thảo xây dựng “Khuyến nghị thúc đẩy quy trình tố tụng thân thiện và chăm sóc, hỗ trợ y tế đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục” cũng đã được tổ chức với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan NN, các chuyên gia về bảo vệ trẻ em, chuyên gia tâm lý và người làm công tác trẻ em ở địa phương. Tại hội thảo đã có 15 ý kiến đóng góp và Hội cũng đã nghiên cứu xem xét và tiếp thu.

Hội thảo góp ý khuyến nghị ” Thúc đẩy quy trình tố tụng thân thiện và chăm sóc, hỗ trợ y tế đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục”

Bản khuyến nghị khi hoàn thiện cũng sẽ gửi tới các cơ quan liên quan như Ủy Ban QG BVTE, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Y tế… để góp phần thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục một các hiệu quả và phù hợp hơn.

Những hoạt động này nhằm đạt được mục tiêu “Nâng cao năng lực cho các nhóm hỗ trợ thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em và gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục”.

Cùng với đó, để “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa cho trẻ em và gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục”, trong hơn 1 năm thực hiện dự án, Hội phối hợp với mạng lưới luật sư bảo vệ trẻ em tại Hà Nội và Tp HCM đã hỗ trợ tư vấn pháp luật và tâm lý cho 16 trường hợp, hỗ trợ trực tiếp tại tòa cho 4 trường hợp liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em. Đây là hoạt động thường xuyên của  Hội và sẽ vẫn được duy trì trong những giai đoạn tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Cán bộ chương trình Ban Thư ký Quỹ JIFF phát biểu trực tuyến
tại hội thảo tổng kết dự án

Trong thời gian 15 tháng, Dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” do Hội triển khai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ không chỉ góp phần nâng cao năng lực tư pháp và hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ y tế cho trẻ em và gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục tại Hà Nội mà còn truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh XHTDTE để góp phần đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục và có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tư pháp thân thiện với trẻ là nạn nhân bị XHTD nhanh và hiệu quả nhất.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *