Trong mắt người nước ngoài: Trẻ con là báu vật quốc gia

Một số người nước ngoài sống tại VN nhiều năm đã bày tỏ ý kiến như trên sau khi đọc tin tức về các vụ bạo hành trẻ gây rúng động dư luận trong thời gian qua.

Trong mắt người nước ngoài: Trẻ con là báu vật quốc gia - Ảnh 1.

Ngoài việc được đào tạo bài bản, đội ngủ giáo viên mầm non còn cần tình yêu thương đối với trẻ – Ảnh: N.HÙNG

Ông DENIS VOIGHT (người Úc):

Biết mà không báo cũng bị xử lý

Bạo hành trẻ em luôn để lại tác động lên trẻ nhỏ và sự phát triển của các em.

Từng là một nhân viên xã hội, tôi rất ý thức về những tác động đó về mặt lâu dài. Giáo dục tuổi ấu thơ là giai đoạn phát triển cơ bản quan trọng và tốt nhất là nên được chăm chút, đội ngũ giáo dục cũng phải chuyên nghiệp.

Chăm sóc trẻ em có nghĩa là chăm sóc cho tương lai của quốc gia bởi những đứa trẻ chính là báu vật của đất nước. Vì vậy, chúng ta phải trân trọng, quan tâm đến quá trình nuôi dưỡng và giúp trẻ phát triển.

Trong mắt người nước ngoài: Trẻ con là báu vật quốc gia - Ảnh 2.

Ông Denis Voight

Tôi nghĩ nguyên nhân những sự việc bạo hành này là sự thiếu hiểu biết, thiếu nền tảng giáo dục chuyên nghiệp hoặc thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Ở Úc, các cơ sở giữ trẻ phải đăng ký và phải có nhân viên có trình độ, được đào tạo bài bản. Những nơi này thường được kiểm tra và tái kiểm định xem có đủ điều kiện để duy trì hoạt động hay không.

Nếu trẻ con bị bạo hành, cha mẹ các em sẽ báo cảnh sát và công tác điều tra sẽ được tiến hành. Những người liên can có khả năng bị truy tố hình sự vì tội hành hung.

Ngoài ra, ở Úc, giáo viên là đối tượng được quy định trong Luật Mandatory Reporting (bắt buộc báo cáo). Nếu một nhân viên lạm dụng trẻ em và một nhân viên khác nghi rằng đã có sự hành hung nào đó mà không báo cáo thì sẽ bị truy tố.

Ông BILL HARANY (người Canada):

Phải đảm bảo không có “chống lưng”

Trong năm nay cũng có hai vụ lạm dụng liên quan đến các cơ sở giữ trẻ ở Canada bị phanh phui. Trong đó một vụ là nhân viên nhà trẻ rung lắc một em bé nghịch ngợm, còn vụ khác dính líu đến lạm dụng tình dục trẻ em. Các cơ sở này sau đó đã bị đóng cửa và vụ việc có khả năng được đưa ra tòa.

Ở Canada cũng có tình trạng các cơ sở giữ trẻ trái phép thường nhận giữ số trẻ vượt mức cho phép.

Trong mắt người nước ngoài: Trẻ con là báu vật quốc gia - Ảnh 3.

Ông Bill Harany

Tại Canada, dịch vụ trông trẻ tư nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như tỉ lệ giữa số lượng nhân viên trên số lượng trẻ em, không gian riêng rộng rãi đủ chuẩn cho mỗi đứa trẻ hay những quy định về an toàn. Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, giấy phép cũng khá nghiêm ngặt và hình phạt cho những trường hợp vi phạm là rất nặng.

Tuy vậy, dịch vụ giữ trẻ không phép cũng tồn tại ở Canada vì những lý do tương tự ở VN.

Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trẻ em. Trong đó có nguyên nhân do thu nhập thấp nên nhiều bậc cha mẹ buộc lòng phải tìm những cơ sở giữ trẻ giá rẻ, thậm chí là những cơ sở trái phép, những nơi thiếu nhân viên chăm sóc trẻ hay nhân viên không đủ tiêu chuẩn.

Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu quan tâm của cha mẹ về những biểu hiện của trẻ, cộng với việc quản lý luật lỏng lẻo, hình phạt chưa đủ nặng để cảnh cáo và lòng tham của những người điều hành các cơ sở đó.

Ở VN, tôi nghe nói những cơ sở giữ trẻ được cấp phường, quận quản lý và chỉ khi có sự cố nghiêm trọng thì mới có thanh tra ở cấp quản lý cao hơn. Tôi đề nghị khi đã giao cho quản lý cấp địa phương thì cần có sự huấn luyện tốt hơn cho nhân viên quản lý cấp phường, xã, quận, để họ biết và hiểu được các dấu hiệu của việc bạo hành.

Ngoài ra, nên đảm bảo không có tình trạng “chống lưng” cho các cơ sở trái phép, trái luật hoạt động. Nếu các cơ sở giữ trẻ bị phát hiện bạo hành, cấp quản lý ở phường, quận cũng phải chịu trách nhiệm.

Những đứa trẻ bị bạo hành sẽ phải chịu một tác động nhất định nào đó, có thể là những tổn thương cơ thể, cũng có thể là tác động về mặt cảm xúc lâu dài hoặc ngắn hạn như sẽ làm gia tăng khả năng trẻ bắt nạt các đứa trẻ khác, sau đó dẫn đến cô lập và chống lại xã hội

Ông BILL HARANY

Ông JEFF EVANS (người Anh):

Thường xuyên kiểm tra các cơ sở mầm non

Ở Anh, một cơ sở chăm sóc trẻ mầm non bắt buộc phải có giấy phép hoạt động và thường xuyên được kiểm tra để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và phúc lợi cho trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của chính quyền. Tất cả nhân viên phải trải qua các kiểm tra nghiêm ngặt.

Các cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm tra nội bộ hoặc bị thanh tra bởi nhà chức trách để đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn chăm sóc trẻ được thực hiện đầy đủ. Giáo viên phải đạt chuẩn chất lượng và có bằng cấp phù hợp để làm việc với trẻ trong vai trò của mình.

Chi phí phụ huynh đóng được dùng để chi trả cho bữa sáng, bữa trưa và bữa ăn xế với thực phẩm hữu cơ và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra còn có những khoản ưu đãi về thuế và hỗ trợ của chính quyền cho tối đa 30 giờ công chăm sóc trẻ của phụ huynh. Ngày nay, hầu hết phụ huynh đều tham gia làm việc và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ ở các cơ sở mầm non.

Thật kinh khủng!

Bạn đọc Michael đã thốt lên như vậy sau khi Tuoi Tre News đăng các tin bài về nạn bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.HCM) từ ngày 26-11. Ngoài ra, một số bạn đọc người nước ngoài khác cũng đã bày tỏ sự phản đối của họ về việc đối xử bạo lực với trẻ em.

* Là người nước ngoài, tôi không bình luận về một số điều xảy ra ở đây. Nhưng cách đối xử với trẻ nhỏ này thật sự kinh hoàng và không thể tha thứ được! Những đứa trẻ tội nghiệp này rõ ràng là vô cùng kinh hãi vì tính khí của cô quản lý. Người phụ nữ đó và những nhân viên hành xử theo cách đó nên bị cấm vĩnh viễn không bao giờ được phép chăm sóc trẻ nhỏ nữa.

IAN WILSON

* Cha mẹ thậm chí còn không phát hiện dấu hiệu cho thấy là con cái họ đang bị đánh đập. Điều này thực sự không đúng chút nào.

Nguồn tuoitre.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *