Tuyển nhóm tư vấn

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tuyển công ty/ tư vấn độc lập tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng pháp luật về trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình

  1. THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN

Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SC) tài trợ từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021 tại địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Mục tiêu chung của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ xã hội và nhân viên các tổ chức xã hội (TCXH) về quản trị quyền trẻ em (QTE).

Trong đó, hợp phần về sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong công tác vận động các chính sách có liên quan tới trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực. Qua các hoạt động như tư vấn, hỗ trợ bảo vệ QTE của Văn phòng Hội Bảo vệ QTE Việt Nam (Hội) và hỗ trợ pháp lý trực tiếp tại cộng đồng của các luật sư, luật gia trực thuộc mạng lưới của Hội Bảo vệ QTE Việt Nam, Hội nhận thấy thực trạng trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại trong môi trường gia đình diễn ra khá phức tạp. Xét về khía cạnh luật pháp, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2007 chỉ đề cập tới vấn đề bảo vệ nạn nhân của BLGĐ nói chung mà chưa đề cập tới nạn nhân BLGĐ cụ thể là trẻ em, trong khi trẻ em có những đặc thù riêng cần có sự hỗ trợ và quan tâm đặc biệt. Mặt khác, vai trò của các TCXH trong phòng chống BLGĐ cũng chưa được đề cập trong các văn bản pháp luật, chính sách, trong khi các TCXH ngày càng thể hiện tầm quan trọng của mình trong việc tham gia vào các vấn đề xã hội hiện nay đặc biệt vấn đề bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, Hội mong muốn thực hiện  nghiên cứu“Đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình” để từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan tới bảo vệ trẻ em là nạn nhân của BLGĐ trong Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007.

Hội Bảo vệ QTE Việt Nam có kế hoạch tuyển công ty/ nhóm tư vấn thực hiện nghiên cứu này trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 tới tháng 6/2021.

  1. MỤC TIÊU VÀ CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

Mục đích chính của nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay về vấn đề trẻ em là nạn nhân của BLGĐ, bên cạnh đó đánh giá vai trò của các TCXH trong công tác bảo vệ trẻ em là nạn nhân của BLGĐ.

Nghiên cứu cần trả lời được các câu hỏi sau:

  1. Thực trạng chung về trẻ em là nạn nhân của BLGĐ tại Việt Nam hiện nay.
  2. Các quy định pháp luật, tiến trình thực hiện, kết quả và những tác động của Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007 trong vòng 5 năm trở lại đây (2015 – 2020) như thế nào, đặc biệt là liên quan tới vấn đề trừng phạt thể chất và tinh thần gây ra đối với trẻ em trong gia đình?
  3. Những nguyên nhân và giải pháp nào để từng bước xoá bỏ trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ dưới mọi hình thức tại Việt Nam?
  4. Vai trò của các TCXH tham gia vào phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình là gì? Làm thế nào để các TCXH thể hiện được vai trò và tiếng nói của mình trong việc bảo vệ trẻ em là nạn nhân của BLGĐ?
  1. PHẠM VI CÔNG VIỆC

Nghiên cứu cần mô tả thực trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, tìm hiểu những bất cập trong các văn bản pháp lý, chính sách đối với trẻ em là nạn nhân của BLGĐ và các biện pháp xử lý tình trạng trẻ em bị BLGĐ dưới góc độ QTE. Nghiên cứu cần đánh giá được khoảng trống của pháp luật trong bảo vệ trẻ em là nạn nhân của BLGĐ; những hình thức BLGĐ mới mà trẻ em là nạn nhân so với luật định; sự cần thiết phải bổ sung, sửa đổi trong Luật phòng chống BLGĐ về vấn đề đảm bảo QTE không bị bạo lực trong gia đình; với trẻ em là nạn nhân của bạo lực cần phải có những biện pháp hỗ trợ ưu tiên hơn so với người đã thành niên; đặt ra vai trò và trách nhiệm của cộng đồng cũng như các khuyến nghị trong công tác đấu tranh tiến tới xóa bỏ các hình thức bạo lực với trẻ em trong môi trường gia đình.

Đồng thời nghiên cứu cần phân tích vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp các trường hợp trẻ em là nạn nhân của BLGĐ.

  1. NHIỆM VỤ CỦA TƯ VẤN VÀ YÊU CẦU NĂNG LỰC, KINH NGHIỆM
  2. Nhiệm vụ của Tư vấn viên
  3. Nghiên cứu tài liệu dự án và tổng quan tài liệu.
  4. Xây dựng đề cương nghiên cứu (bao gồm mục tiêu, khung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận, công cụ, thời gian và ngân sách thực hiện).
  5. Họp với Hội và SC để thảo luận về phương pháp, nội dung, công cụ và tiến trình thực hiện đánh giá cũng như các vấn đề khác có liên quan.
  6. Thực hiện nghiên cứu trực tuyến và tiến hành xây dựng báo cáo.
  7. Báo cáo tiến độ thực hiện nghiên cứu hàng tuần bao gồm các hoạt động đang triển khai, các vấn đề/ rủi ro gặp phải, các hỗ trợ (nếu có).
  8. Việc nghiên cứu phải đảm bảo tuân thủ các chính sách đảm bảo an toàn của SC, các nguyên tắc bảo mật thông tin và đạo đức nghiên cứu.
  9. Hoàn thiện báo cáo đánh giá dựa trên cơ sở các góp ý của Hội và SC.
  10. Trình bày các phát hiện chính và kiến nghị.
  11. Yêu cầu năng lực và kinh nghiệm

2.1 Với tư vấn cá nhân:

  • Trình độ thạc sĩ trở lên có chuyên ngành về phát triển cộng động, khoa học xã hội, bảo vệ trẻ em và các lĩnh vực liên quan.
  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đánh giá, đặc biệt là nghiên cứu định tính và tổng quan tài liệu.
  • Có kinh nghiệm làm việc/hợp tác với tác tổ chức xã hội / tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tổ chức hoạt động về nhân quyền/trẻ em/hỗ trợ nhân đạo.
  • Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và nghiên cứu về BLTE
  • Có kinh nghiệm điều phối và quản lý trong quá trình thực hiện nghiên cứu/đánh giá.
  • Thành thạo các phần mềm xử lý số liệu định tính như Nvivo.
  • Am hiểu về pháp luật Việt Nam có liên quan đến nhân quyền nói chung và Quyền Trẻ Em nói riêng.
  • Có khả năng tiếng Anh (đặc biệt về khả năng viết).

2.2 Với tư vấn công ty:

  • Yêu cầu đối với trưởng nhóm: tương tự yêu cầu đối với tư vấn cá nhân đã nêu tại mục 2.1.
  • Yêu cầu với thành viên nhóm đánh giá:
  • Có bằng đại học (hoặc cao hơn) chuyên ngành về phát triển cộng động, khoa học xã hội, bảo vệ trẻ em và các lĩnh vực liên quan.
  • Ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu/đánh giá. Có kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu định tính.
  • Có kỹ năng thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm.
  • Có khả năng tự quản lý thời gian và công việc.
  • Có khả năng làm việc trong môi trường có áp lực cao.
  • SẢN PHẨM ĐẦU RA
  • 01 (một) đề cương nghiên cứu được hoàn thiện với nội dung, khung lý thuyết, phương pháp, công cụ, kế hoạch và ngân sách thực hiện.
  • Bộ công cụ thu thập số liệu
  • Bộ mã hóa các chủ đề nghiên cứu
  • Các ghi chép về nội dung thảo luận nhóm/ phỏng vấn sâu (nếu có)
  • 01 (một) báo cáo tóm tắt các phát hiện chính (tối đa 05 trang).
  • 01 (một) báo cáo đánh giá chi tiết (tối đa 100 trang – 350 từ/trang), bao gồm:
  • Tóm tắt kết quả
  • Bối cảnh
  • Quá trình thực hiện đánh giá
  • Phương pháp đánh giá, nhóm đối tượng đánh giá, các hạn chế của đánh giá, etc.
  • Các phát hiện chính
  • Kết luận
  • Kiến nghị
  • Các phụ lục.

 Hội BVQTEVN và SC là chủ sở hữu nghiên cứu này. Tất cả các tài liệu và dữ liệu thu thập được trong quá trình thực hiện hoạt động là tài sản chung của Hội và SC. Tài liệu chỉ được sao chép, sử dụng lại khi được sự chấp thuận của 1 trong 2 chủ sở hữu và sự đồng ý của người tham gia phỏng vấn (kèm theo phiếu phỏng vấn). Trong trường hợp tài liệu được xuất bản thì tên của các chuyên gia tư vấn sẽ được nêu trong tài liệu.

  • KHUNG THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ KIẾN:

Thời gian thực hiện đánh giá dự kiến trong khoảng từ tháng 04 đến 06 năm 2021 với tổng số ngày làm việc dự kiến là 30 ngày.

Công việc chính Số ngày
Họp với Hội và SC để trao đổi về nhiệm vụ và các yêu cầu công việc 0.5
Tập huấn của SC về các chính sách đảm bảo an toàn 0.5
Nghiên cứu tài liệu dự án và các tài liệu/báo cáo có liên quan để phục vụ cho đánh giá 02
Xây dựng đề cương nghiên cứu trong đó có phương pháp, công cụ, kế hoạch và ngân sách trọn gói đánh giá 03
Họp với Hội và SC để chia sẻ về phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá và thử nghiệm công cụ 01
Hoàn thiện đề cương nghiên cứu và công cụ đánh giá (sau khi có ý kiến của Hội và SC) 01
Thực hiện nghiên cứu trực tuyến 10
Nhập liệu, xử lý và phân tích số liệu, xây dựng dự thảo báo cáo 9
Họp với Hội và SC để tiếp nhận ý kiến, nhận xét, câu hỏi về báo cáo dự thảo 01
Hoàn thiện báo cáo 01
Chia sẻ kết quả đánh giá với các phát hiện chính tại hội thảo với Hội, SC và các bên liên quan. 01
Tổng 30

 VII.TUYỂN CHỌN TƯ VẤN

Ứng viên được chọn dựa trên các tiêu chí sau:

  • Chất lượng của đề xuất kỹ thuật: 40% số điểm
  • Hồ sơ năng lực/Chất lượng của tư vấn qua hợp đồng đã thực hiện: 30% số điểm
  • Đề xuất tài chính: 30% số điểm

Quá trình đánh giá, tuyển chọn tư vấn sẽ được thực hiện qua 2 giai đoạn:

  • Đánh giá hồ sơ: bao gồm đề xuất kỹ thuật, đề xuất tài chính và hồ sơ năng lực
  • Phỏng vấn trực tiếp

Đề xuất tài chính là trọn gói, bao gồm phí tư vấn, công tác phí, ăn ở, đi lại và các chi phí liên quan (hỗ trợ tình nguyện viên, v.v).  Hội và SC sẽ không thanh toán thêm bất cứ chi phí phát sinh nào so với đề xuất tài chính đã được duyệt.

Tiêu chí đánh giá chất lượng hồ sơ ứng viên sẽ được phân bổ như sau:

Tiêu chí Số điểm
1. Kinh nghiệm, chuyên môn 30
1.1 Trình độ chuyên môn phù hợp Yêu cầu bắt buộc, không tính điểm
1.2 Kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu từ 5 đến dưới 7 năm 5
1.3 Kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu từ 7 năm trở lên 8
1.4 Hợp đồng tư vấn đã thực hiện được đơn vị thuê đánh giá tốt (mỗi hợp đồng được 2 điểm, không quá 5 hợp đồng) 8
1.5 Kinh nghiệm làm việc với các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế 5
1.6 Hiểu biết về quyền trẻ em, công tác xã hội, tâm lý học (mỗi tiêu chí được 3 điểm) 9
2. Đề xuất kỹ thuật 40
2.1 Khung đề cương nghiên cứu phù hợp 30
2.1.1 Đặt vấn đề, mục tiêu, câu hỏi và phạm vi nghiên cứu hợp lý và khả thi 15
2.1.2 Thiết kế nghiên cứu (khung phân tích, kế hoạch thực hiện, cách thu thập dữ liệu, cách phân tích) hợp lý, khả thi, đáp ứng được mục tiêu của đề tài 15
2.2 Khung thời gian thực hiện nghiên cứu phù hợp 10
3. Đề xuất tài chính 30
Đề xuất phí tư vấn và kế hoạch ngân sách cho đánh giá phù hợp, hiệu quả cao về mặt chi phí.  

VIII. HÌNH THỨC THANH TOÁN

Tư vấn được thanh toán 2 lần bằng chuyển khoản:

  • 50% sau khi bộ tài liệu nghiên cứu đã được BQLDA phê duyệt
  • 50% còn lại được thanh toán sau khi Ban QLDA nhận được tất cả các sản phẩm đầu ra đã nêu tại mục “V. SẢN PHẨM ĐẦU RA” và được phê duyệt bởi Ban QLDA và Tư vấn hoàn thiện các giấy tờ có liên quan: xác nhận hoàn thành công việc, bảng chấm công, đề nghị thanh toán, các hóa đơn, chứng từ liên quan khác (nếu có) theo quy định của Dự án.

   IX.CÁCH NỘP HỒ SƠ

Các cá nhân quan tâm vui lòng chuẩn bị hồ sơ gồm:

(1)        Email bày tỏ sự quan tâm;

(2)        Lý lịch, kinh nghiệm làm việc bằng tiếng Việt của tư vấn hoặc Hồ sơ năng lực đối với các công ty;

(3)        Bản đề xuất kĩ thuật triển khai công việc

(4)        Bản đề xuất tài chính.

Hồ sơ được gửi đến địa chỉ email: tuyendung.vacr@gmail.com; hoặc minhhiendoan1810@gmail.com

Mọi thông tin cần làm rõ hơn vui lòng liên hệ: Ms Hiền – 0812956933

Hạn nộp hồ sơ 30/4/2021

Ngày … tháng … năm

Người chuẩn bị         Người kiểm định         Người phê duyệt        

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *