Vụ công an còng tay nữ sinh 13 tuổi: Cần xem xét, xử lý những người vi phạm pháp luật
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc lực lượng công an khi đưa nữ sinh về đến trụ sở vẫn còng tay vào ghế là không thể chấp nhận.
Như Thanh Niên hôm qua thông tin, ngày 11.5, đại diện UBND P.Phước Nguyên, TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đến nhà ông Nguyễn Văn Đằng (60 tuổi) để xin lỗi về việc lực lượng cưỡng chế đã còng tay cháu N.Đ.Q.H (13 tuổi, học sinh lớp 7; con ông Đằng) đưa về trụ sở. Thay mặt đoàn cưỡng chế, ông Bùi Anh Quang, Chủ tịch UBND P.Phước Nguyên, đã xin lỗi vợ chồng ông Đằng. Theo ông Quang, việc còng tay cháu H. là có sai sót và sẽ chấn chỉnh. Tuy nhiên, gia đình ông Đằng đã không chấp nhận lời xin lỗi của UBND P.Phước Nguyên.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, ngày 9.5, Công an TP.Bà Rịa triển khai lực lượng bảo đảm an ninh trật tự để cưỡng chế theo kế hoạch tại nhà ông Đằng nhằm thu hồi đất để làm công viên. Khi ông Bùi Anh Quang đang đọc quyết định cưỡng chế thu hồi đất thì gia đình ông Đằng gồm 4 người, trong đó có em H. (13 tuổi, học sinh lớp 7) đã ném gạch, đá vào lực lượng làm nhiệm vụ. Lực lượng công an đã khống chế, còng tay 3 cha con ông Đằng đưa về trụ sở Công an P.Phước Nguyên làm việc. Khi làm việc tại trụ sở công an phường, em H. tiếp tục bị còng tay vào thành ghế. Công an phường cho rằng phải còng tay vì sợ gia đình ông Đằng sẽ bỏ chạy, quay lại nhà gây ra nguy hiểm.
Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng LS Kết nối, Đoàn LS TP.Hà Nội) phân tích: theo khoản 9 điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2012 thì còng số 8 là một loại công cụ
hỗ trợ được trang bị cho lực lượng ngành công an nhân dân. Khoản 2, điều 18, Thông tư 30/2012/TT-BCA nêu rất rõ, trong khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí thô sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và tuân theo các nguyên tắc… “không được sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em (dưới 16 tuổi, theo luật Trẻ em 2016 – PV), trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác”. “Trong trường hợp này, khi cháu H. đã được đưa về trụ sở công an, không còn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác nhưng công an phường vẫn còng tay cháu H. sau thành ghế là vi phạm pháp luật”, LS Hùng nói.
Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trong khi sử dụng công cụ hỗ trợ, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điều 36 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 nêu tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. “Với trường hợp của gia đình ông Đằng, cụ thể là cháu H., do việc còng tay cháu H. chưa gây hậu quả, chưa gây thiệt hại nên có thể xử lý cán bộ vi phạm ở mức xử lý hành chính là kiểm điểm, cảnh cáo… Còn trường hợp không đồng ý với việc xin lỗi của cơ quan chức năng, người giám hộ là bố, mẹ cháu H. có quyền khởi kiện dân sự đối với người hoặc cơ quan vi phạm, yêu cầu được bồi thường thiệt hại về mặt tổn thất tinh thần, vật chất”, LS Tuấn nói.
Nguồn thanhnien.vn