Trong buổi làm việc với Hội cựu giáo chức Việt Nam vào tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chân, thiện, mỹ hay ý thức con người đều từ giáo dục. “Vì sao Nhật Bản phương tiện ô tô nhiều như thế nhưng tai nạn rất ít. Cũng do giáo dục mà ra”, Thủ tướng nêu ví dụ và nhấn mạnh: “Nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công”.
Tại hội nghị Tổng kết năm học 2016 -2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8 tại 64 điểm cầu trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp rất nhiều, chạy việc rất khó, nhiều giáo viên phải “mai phục” bằng dạy hợp đồng ở các trường để chờ cơ hội vào biên chế.
“Tôi phải nói công khai là giờ là “chạy việc” khó. Thậm chí nhiều giáo viên phải “mai phục” để chờ vào biên chế. Bộ GD&ĐT có thống kê được số liệu giáo sinh ra trường không?…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.
Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, trong Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm tại 3 đầu cầu Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh ngày 11/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm”.
Năm 2017, từ câu chuyện tuyển sinh sư phạm với điểm chuẩn 12,75 (hệ đại học) hay 9 điểm (cao đẳng) gây “nóng” dư luận, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh: “Câu chuyện tuyển sinh đã đặt ra câu hỏi mà ngành giáo dục cần xem xét kỹ lưỡng là “ngành sư phạm của chúng ta hiện tại như thế nào”?
Góp ý nhân Bản dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, trả lời trên báo chí vào tháng 4/2017, Giáo sư Ngô Bảo Châu lưu ý, với giới khoa học, những nhà khoa học hăm hở nghiên cứu các vấn đề nóng bỏng nhất – thường họ không có thời gian viết sách. Quy định viết sách có lẽ là một quy định tương đối cổ hủ, lạc hậu, theo quan niệm Giáo sư của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, không phải là quan niệm của hiện nay.
“Làm khoa học, viết sách thì hợp lý nhưng lấy tiêu chuẩn viết sách để xét ai đó có được làm Giáo sư hay không thì chỉ có ở Việt Nam thôi”, ông nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn HĐND TP.HCM ngày 6/12, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM – cho biết dự kiến năm 2019 TP.HCM sẽ có bộ SGK riêng. Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới – cho rằng: “Nếu các sở GD&ĐT biên soạn sách thì sẽ loạn… 63 “sứ quân”.
Trả lời báo chí liên quan đến đến thực trạng “mưa điểm 10” trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng, từ kết quả của kỳ thi vừa qua, ta có thể thấy độ phân hóa của đề thi chưa cao.
Theo ông, “mưa điểm 10” sẽ gây khó khăn cho các trường khi tuyển sinh, thậm chí khiến cho phụ huynh, xã hội “ảo tưởng” về chất lượng giáo dục nước nhà: “Còn mưa điểm 10 phụ huynh và xã hội còn ảo tưởng”.
Bình luận về rủi ro của nghề giáo thời hiện đại tại tọa đàm “Đổi mới giáo dục – Nhìn từ góc độ người thầy”, GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ví von rằng, những rủi ro ấy diễn ra thường xuyên trong những tình huống sư phạm vô cùng đa dạng. Bố mẹ có phạt con một cái coi là chuyện bình thường, nhưng người thầy mà làm thế, bị quay clip đưa lên thì là bạo hành học đường.
“Làm giáo viên bây giờ rất rủi ro, rủi ro hơn cả tham gia giao thông… Đôi khi dạy xong một buổi mới biết mình an toàn”, ông Báo bình luận.
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, qua đời vào ngày 9/10/2017. Trước đó không lâu, khi kể câu chuyện “con tôi chỉ biết uống nước nhập ngoại, sợ nó không biết uống nước của ta” trong khóa học quân sự ngắn, PGS. Văn Như Cương cho rằng sự quan tâm, chăm sóc con cái thái quá của cha mẹ không những không tốt mà còn là cách giáo dục làm hư trẻ.
“Nhiều vị phụ huynh làm hư con cái của mình mà cứ tưởng như vậy là mình thương chúng!”, PGS. Văn Như Cương nói.
Góp ý dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, TS Lương Hoài Nam bày tỏ lo ngại với chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các “lò ấp” có tốc độ “sinh nở” cao trong nước. Hơn nữa, theo ông: “Chi tiền tỷ đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài nhưng họ về nước nhận lương chỉ mấy triệu đồng là không tương xứng”.