Nhằm góp phần đưa tiếng nói trẻ em tới các cơ quan Nhà nước và các tổ chức về vấn đề có liên quan trực tiếp tới môi trường sống hàng ngày của trẻ em thông qua góp ý cho dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả tham vấn ý kiến trẻ em về các tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và thu thập ý kiến đóng góp của những người làm việc liên quan tới trẻ em để tổng hợp đưa ra đề xuất, góp ý văn bản quy định về tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em hiệu quả và chất lượng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: ““Việc chia sẻ kết quả tham vấn ý kiến trẻ em về quy định hướng dẫn tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em góp phần đưa tiếng nói trẻ em tới các cơ quan Nhà nước và các tổ chức về vấn đề có liên quan trực tiếp tới môi trường sống hàng ngày của trẻ em. Thông qua đó Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mong muốn đại diện các cơ quan, tổ chức có mặt tại Hội thảo với vai trò là những người có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực có liên quan tới trẻ em sẽ tập trung xem xét, nghiên cứu, đưa ra hướng tiếp thu hoặc có các ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 06 trên cơ sở ý kiến trẻ em đã được tham vấn. Hướng tới mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là xây dựng một môi trường ở đó mọi trẻ em đều được hưởng các quyền của mình để phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và nhân cách; quan tâm, lưu ý tới các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lồng ghép những tiêu chí phù hợp với trẻ em trong các tiêu chí, tiêu chuẩn trong xây dựng, bình chọn, xét chọn xã, phường, thị trấn, khu dân cư, nông thôn mới, gia đình văn hoá… mà nhiều đơn vị tổ chức đang thực hiện”.
Bà Trần Thị Thu Hà – đại biểu TP HCM chia sẻ việc truyền thông, giải thích cho trẻ em hiểu biết về tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là cần thiết và khi trẻ em hiểu về tiêu chí xã phường thì việc góp ý trẻ em mới hiệu quả hơn. Kết quả khảo sát cần đưa ra những vấn đề nổi lên mà trẻ em quan tâm để góp ý cụ thể hơn như tiêu chí về sự tham gia của trẻ em sẽ rõ hơn. Trong 13 tiêu chí thì cần đưa rõ hơn tiêu chí 4: Trẻ em vi phạm pháp luật tức là xã, phường, thị trấn phù hợp là không có trẻ em vi phạm pháp luật, nhưng nếu phường có trẻ em vi phạm pháp luật thì thế nào; Tiêu chí 11: Thực hiện quyền tham gia của trẻ em cũng cần phải làm rõ tham gia thế nào, trẻ em cần phải biết để tham gia nhưng chưa chú trọng tới truyền thông; lồng ghép các tiêu chí này trong đô thị văn minh thế nào, các phong trào ở địa phương và toàn thể cộng đồng phải biết về các tiêu chí và tham gia chứ không riêng về chính quyền địa phương.
Bà Phạm Thị Thanh Bình – đại biểu tỉnh Bến Tre đưa ra ý kiến là nên đưa tiêu chí trẻ em vào trong đánh giá việc thực hiện các Chương trình quốc gia về trẻ em như tiêu chí về trẻ em bị xâm hại, sự tham gia của trẻ em. Hoặc theo điều kiện thực tế của địa phương để đưa tiêu chí về tiêm chủng cho trẻ em, trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chí về trẻ em đến trường mầm non cho phù hợp. Thời gian đánh giá nên gắn với thời điểm đánh giá chương trình, kế hoạch của địa phương.
Bà Phạm Thị Lan – đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế có băn khoăn trong số 13 tiêu chí đưa ra thì tiêu chí 1 là rất quan trọng nhưng trong thời gian tới nguồn lực dành cho trẻ em thế nào khi mà trong thời gian tới Bộ LĐTBXH bị sát nhập, lĩnh vực trẻ em sẽ ra sao; cần đưa vào những tiêu chí đánh giá thi đua để thực hiện 13 tiêu chí ở địa phương giúp cho công tác phòng là chính trong gia đình là trước tiên. Đặc biệt cũng cần quan tâm tới tiêu chí về sự tham gia và hoà nhập của trẻ em khuyết tật và trách nhiệm của các bên liên quan để trẻ khuyết tật có thể hoà nhập.
Bà Phan Thị Thanh Minh – đại biểu TP HCM chia sẻ: Hàng năm có công tác đi đánh giá tại địa phương, theo đó quy định xã, phường tiêu biểu ở mỗi khu phố, ấp thực hiện có 5 tiêu chí thì ko có tiêu chí nào nói đến trẻ em; trong đó xã phường không tiêu biểu có 3 tiêu chí cũng không có tiêu chí nào nói đến trẻ em; việc phối hợp liên ngành xử lý các vấn đề về trẻ em chưa được chú ý nên khi nói đến việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để trẻ em sống trong môi trường an toàn gồm cả gia đình, trường học, cộng đồng an toàn. Vì vậy trong các tiêu chí về xã, phường, thôn, ấp tiêu biểu cần bổ sung các tiêu chí phù hợp với trẻ em.
Bà Chử Thị Thanh Hương – Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam chia sẻ mong muốn xã, phường được hỗ trợ xác nhận dạng tật nhanh chóng, có các phòng chuyên biệt cho trẻ em và thông tin tuyên truyền kiến thức cho gia đình thực hiện quyền trẻ em đặc biệt là các gia đình có trẻ em khuyết tật; các hình thức truyền thông về các vấn đề liên quan tới quyền trẻ em và liên quan tới trẻ em cũng cần phù hợp với trẻ em khuyết tật, có sự ghi nhận và đóng góp của trẻ em khuyết tật trong các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Ông Lê Đình Tuấn – đại biểu Hà Nội cho rằng quyền trẻ em thể hiện ở các nhóm quyền, Hội có thể tập trung vào góp ý cho quyền trẻ em nói chung chứ không phải về thể thức văn bản. Cần phải phân tích sâu hơn tiêu chí 6 để có thể hiểu rõ đối tượng trẻ được trợ giúp xã hội và trẻ em được trợ giúp thế nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng nên có tiêu chí điểm trừ và điểm cộng để có thể lồng ghép trong các tiêu chuẩn xã phường hiện đang có; bổ sung thêm tiêu chí gia đình có trẻ khuyết tật được hỗ trợ phát triển kinh tế, xoá nhà tạm trong hoạt động của địa phương.
Bà Vũ Thị Kim Hoa – UVTV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổng kết các ý kiến, góp ý của đại biểu tại hội thảo: Truyền thông về tiêu chí trẻ em cho cha mẹ và trẻ em trong đó có cả gia đình và trẻ khuyết tật; bổ sung và lồng ghép tiêu chí trẻ em với các tiêu chí xã, phường đã được ban hành; cách thức để đánh giá các tiêu chí thể hiện được vai trò thực hiện của địa phương (điểm cộng và điểm trừ); tổ chức thực hiện các tiêu chí (thời gian đánh giá; trình tự thủ tục cần có báo cáo đánh giá tác động, phản biện xã hội; hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quyết định 06); gắn tiêu chí với các chính sách, quy định hiện có phù hợp với điều kiện địa phương; quy trình xây dựng văn bản; tập huấn các kỹ năng cho trẻ em gồm cả trẻ em khuyết tật và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia, kênh thông tin tiếp nhận ý kiến trẻ em, điều kiện ở địa phương dành cho trẻ khuyết tật như nhóm lớp riêng, trường học hoà nhập còn hạn chế… cũng sẽ được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổng hợp, gửi về cho Cục Trẻ em để nghiên cứu, xem xét, đề xuất lồng ghép các tiêu chí về trẻ em trong các văn bản hướng dẫn, đánh giá ở địa phương.
Thu Hà