Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy con người là vốn quý nhất. Trong mọi hình thái kinh tế -xã hội (KT-XH), dân số luôn là lực lượng sản xuất, lại vừa là người tiêu dùng. Do vậy, dân số là động lực, là mục tiêu của phát triển và những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển.


Công tác dân số là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Ảnh: Chí Cường

Công tác dân số là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Ảnh: Chí Cường

Dân số – động lực của phát triển KT-XH

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế thì chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chủ yếu tạo ra mọi của cải, các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân loại, là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT-XH.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hầu hết các nước đang phát triển có sự nhảy vọt về kinh tế trước đó đã thực hiện có kết quả cao về DS-KHHGĐ. Các nhà kinh tế học đã thừa nhận, việc giảm sinh liên tục trong 3 thập kỷ đã góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển kinh tế là “liều thuốc tránh thai” hiệu quả nhất của công tác dân số.

Có thể thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng của dân số và phát triển qua bảng Tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số ở Việt Nam từ 1976-2002 (NXB Thống kê, Tổng cục Thống kê): Tỷ lệ tăng dân số đã giảm rất nhanh và đạt mức 1,7% mỗi năm và do đó, tỷ lệ tăng GDP bình quân đầu người cao nhất trong 3 thập kỷ là 5,86% bình quân mỗi năm. Liên Hợp Quốc cũng đã dự báo rằng, nếu Việt Nam làm tốt chương trình DS-KHHGĐ quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của năm 1990.

Rõ ràng, mối quan hệ biện chứng giữa dân số và phát triển, trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chủ yếu của quá trình phát triển đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện công tác dân số cũng như kế hoạch phát triển KT-XH của mọi quốc gia.

Từ nhận thức đến thay đổi toàn diện công tác dân số


 Ông Trần Văn Chiến. ảnh: Chí Cường

Ông Trần Văn Chiến. ảnh: Chí Cường

Từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ XX, công tác dân số chủ yếu tập trung vào các nội dung KHHGĐ và mang tính toàn cầu. Mục tiêu lúc đó là hạ tỷ lệ phát triển dân số, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và giải quyết môi trường sống ở các nước đang phát triển.

Ở nước ta, nhận thức được tác động của gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng tới phát triển KT-XH, ngay từ năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mặc dầu trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn.

Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” (gọi tắt là Nghị quyết 04). Từ đây, công tác dân số ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện, cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác DS-KHHGĐ; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Nhờ vậy, kết quả đạt được đều vượt xa mục tiêu đề ra, Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,86% (năm1991) xuống còn 1,36% (năm 2000), quy mô dân số từ 67,24 triệu dân tăng lên 77,64 triệu năm 2000, thấp hơn 4,36 triệu so với mục tiêu đã đề ra khoảng 82 triệu dân vào năm 2000. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế. Nhờ đó kinh tế ổn định và phát triển nhanh hơn.

Sau hơn 55 năm thực hiện công tác dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. 55 năm qua, công tác dân số cũng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với bao khó khăn thử thách và tổng kết được những bài kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, giai đoạn 1991-2000 đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện với công tác DS-KHHGĐ nước ta.

Năm 1991, lần đầu tiên ngành Dân số có bộ máy tổ chức chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở. Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ trực thuộc Chính phủ, hệ thống Uỷ ban DS-KHHGĐ cấp tỉnh và huyện thuộc UBND cấp tỉnh và huyện, tại cấp xã có Ban DS-KHHGĐ, có cán bộ chuyên trách và mạng lưới công tác viên DS-KHHGĐ tại tổ dân phố, thôn, bản… được hình thành. Với phương châm hoạt động: “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai phi lâm sàng.

Thành công của công tác dân số trong giai đoạn này đã minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt, tính đúng đắn và sự phù hợp với lòng dân của chính sách. Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết 04 ngày 14/1/1993 cũng đã khẳng định quan điểm với tầm nhìn chiến lược của Đảng: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Sự đầu tư đúng đắn và khôn ngoan nhất

Nghị quyết 04 cũng đã khẳng định: “Huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân”. Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm: “Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác DS-KHHGĐ, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế”. Như vậy, trong hệ thống 5 quan điểm và 6 giải pháp, Nghị quyết 04 đã chú trọng vào việc đầu tư nguồn lực cho công tác số. Đó cũng chính là những quan điểm chính thống rõ ràng và cam kết của Đảng và Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế; là sự bảo đảm thành công cho công tác dân số và tiền đề cho phát triển KT-XH của đất nước

Bên cạnh những yếu tố nhân văn rõ nét như cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em, đáp ứng các quyền sinh sản, giảm nhu cầu phá thai và góp phần xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực DS-KHHGĐ cũng khẳng định mạnh mẽ lợi ích kinh tế mang lại, nghĩa là đầu tư cho lĩnh vực này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Theo kinh nghiệm quốc tế được UNFPA công bố, 1USD chi cho DS-KHHGĐ sẽ tiết kiệm được 31USD chi cho các dịch vụ xã hội khác.

Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009 cho thấy: Dân số nước ta là 85,8 triệu người, mỗi năm tăng thêm 952.000 người, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tăng lên nhiều; Tỉ lệ tăng dân số giảm từ 3,77% năm 1960 xuống còn 1,09% năm 2009, trung bình hàng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999-2009), là mức giảm sinh lớn nhất và tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua; tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ 6 con (1960) giảm xuống còn 2,03 con và đạt dưới mức sinh thay thế.

Vào năm 2010, dân số Việt Nam ở mức 87 triệu người, chứ không phải là 105 triệu người như các nhà khoa học dự báo cách đây 20 năm. Như vậy, trong vòng 20 năm qua, so với dự báo Việt Nam đã “tránh sinh” được 18 triệu trường hợp, bớt đi “một gánh nặng” lớn tác động trực tiếp tới sự phát triển KT-XH của đất nước. Kết quả giảm sinh giúp tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội khác, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nhờ thay đổi vốn từ tiêu dùng (cho số dân tăng lẽ ra phải tăng thêm) sang tích lũy cho phát triển KT-XH.

Từ những phân tích trên cho thấy, về lý luận cũng như thực tiễn đã chỉ rõ: Không những đầu tư nguồn lực cho dân số là đầu tư cho phát triển mà đầu tư cho công tác này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao.

Cách đây hơn 28 năm (ngày 12/6/1999), sau Lễ trao Huy chương giải thưởng Dân số Liên Hợp Quốc cho Việt Nam, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ngài Kofi Annan đã nói với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ Trần Thị Trung Chiến: “Bà có biết một trong những yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam không? Đó là thành công của chương trình dân số Việt Nam đã góp phần quan trọng cho những thành tựu đạt được nói trên”.

PGS.TS Trần Văn Chiến (Nguyên Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế)

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *