Khởi động dự án Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam

Sáng ngày 16/01/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tham dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Hội thảo còn có Bà Lee Mi-Kyung, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng đại diện Bộ LĐ-TBXH, Bộ VHTTDL, TW Hội Nông dân Việt Nam và các Bộ, ban ngành liên quan, UBND tỉnh Quảng Ninh, một số trung tâm CTXH, các cơ quan LHQ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này đã và đang diễn ra gây nên sự mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của nạn nhân. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là các nạn nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị mua bán, xâm hại và quấy rối tình dục tại nơi học tập, nơi làm việc, khu du lịch, khu vực công cộng và cả trong gia đình.  Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2017, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân. Điều này khẳng định Bình đẳng giới được quan tâm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiến pháp và các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình về bình đẳng giới đã được triển khai ngày càng có hiệu quả tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt là việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Khoảng cách giới giữa nam và nữ ở Việt Nam ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận lớn của người dân. Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lưc đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cảm ơn KOICA và UNFPA tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp Bộ LĐ-TBXH triển khai thực hiện các hoạt động về Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan của tỉnh đã quan tâm, tích cực phối hợp triển khai thực hiện Dự án.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Astrid Bant cho rằng bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề toàn cầu ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp bạo lực không được báo cáo và các nạn nhân đều sống trong chịu đựng và đau đớn. Bà cho biết bạo lực có thể khiến cho các nạn nhân mất khả năng lao động và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế cũng như những nỗ lực giảm nghèo. Bà nhấn mạnh rằng hiện nay đã có nhiều hành động của Chính phủ và sự chung tay của các đối tác phát triển khác, rất nhiều chương trình đã được xây dựng, tuy nhiên vẫn cần nỗ lực hơn nữa để các nạn nhân tiếp cận được những dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Bà hy vọng, thông qua Dự án, hàng triệu phụ nữ của tỉnh Quảng Ninh nói chung và đặc biệt là những nạn nhân bị bạo lực sẽ được tiếp cận với những dịch vụ xã hội cần thiết để ổn định cuộc sống.

Bà Lee Mi-kyung, Chủ tịch KOICA Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lee Mi-kyung, Chủ tịch KOICA Hàn Quốc hi vọng mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống trong môi trường văn minh, và có điều kiện tốt nhất để phát triển những khả năng vốn có của mình. Bà hi vọng thông qua Dự án sẽ giảm được bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, đồng thời hai phía Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng nhau phát triển và ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Cũng tại Hội thảo, lễ ký kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ cho Việt Nam đã chính thức khởi động. Với tổng ngân sách 2.560.000 USD cho giai đoạn 2018-2020 trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc, Dự án có mục tiêu chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Lễ ký kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới”

Được biết, hiện nay Việt Nam có 3 mô hình Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới là Quảng Ninh, Đắc Lắc, Bến Tre: Hỗ trợ khẩn cấp, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp (y tế), chuyển tuyến, dịch vụ lưu trú cho người tạm lánh; Tuyên truyền tại cộng đồng. Chương trình mục tiêu trợ giúp xã hội, hợp phần hỗ trợ các mục tiêu về bình đẳng giới có kế hoạch nhân rộng ra 10 mô hình trong cả nước từ nay đến 2020.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Nguồn molisa.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *