MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA HỘI BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM VIỆT NAM ĐỐI VỚI DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000

(Kèm theo công văn số 46  /CV-HBVQTE  ngày 08  tháng 5 năm 2014)

Về cơ bản, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với bản dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi về kết cấu các chương, mục, điều khoản. Cách sắp xếp này là tương đối khoa học, logic, dễ hiểu, dễ theo dõi. Các điều luật tương đối xúc tích, ngắn gọn, chuyển tải được những nội dung cơ bản, đảm bảo sự điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ hôn nhân và gia đình đang tồn tại trong thực tế đời sống xã hội hiện nay.

Trên cơ sở hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) và kết quả nghiên cứu “Vai trò của các tổ chức xã hội trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền trẻ em”[1]do Quỹ Paraff tài trợ, Hội xin đóng góp một số ý kiến vào Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi.

  1. Đề nghị Luật Hôn nhân và gia đình bổ sung “Tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em” với vai trò là người có quyền yêu cầu Tòa án trong các Điều liên quan đến quyền trẻ em, bao gồm Điều về huỷ việc kết hôn trái pháp luật, về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, Điều về xác định cha, mẹ, con, về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em cũng như tăng cường việc giám sát và phản biện khi thực thi chính sách pháp luật Hôn nhân và gia đình, mặt khác, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần có lực lượng rộng rãi để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt nhất chức năng của mình trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

+ Cơ sở thực tiễn:

– Thời gian qua các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[2]. Các tổ chức xã hội hoạt động sâu rộng trong cộng đồng nhằm tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của trẻ em, cũng như ngăn chặn kịp thời nguy cơ quyền trẻ em bị xâm hại. Một số tổ chức tiêu biểu như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội cứu trợ người tàn tật, Hội nạn nhân chất độc da cam,…[3], có nhiều hoạt động gắn bó và chăm sóc trẻ em rất tốt. Đặc biệt là việc giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình trong đó có trẻ em.

– Trong thực tế đời sống xã hội hiện nay, tình trạng trẻ em bị xâm hại quyền trong gia đình rất phổ biến và thường khi có hậu quả rất nghiêm trọng thì xã hội mới can thiệp, khi đó, trẻ em đã phải gánh chịu những tổn thương về thể chất và tinh thần không thể khắc phục được. Do đó, việc quy định các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em với tư cách là chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án nhằm bảo vệ quyền trẻ em sẽ giảm thiểu tốt hơn tình trạng trẻ em bị xâm hại quyền trong gia đình hiện nay. Việc quy định này không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ ai, mà ngược lại, gia đình, xã hội và nhà nước đều đạt được lợi ích tối ưu nhất.

+ Cơ sở lý luận:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm1986, 2000 đã từng quy định phạm vi chủ thể được trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong quan hệ hôn nhân và gia đình mà đặc biệt là trẻ em. Luật HN&GĐ năm 1986 quy định một số cơ quan, tổ chức như Viện kiểm sát nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, chấm dứt việc nuôi con nuôi[4]. Luật HN&GĐ năm 2000 quy định đại diện các chủ thể là cơ quản tổ chức trực tiếp yêu cầu Toà án, bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Uỷ ban Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó là các chủ thể được gián tiếp yêu cầu T oà án là bất cứ cá nhân, cơ quan tổ chức khác đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, yêu cầu xác định cha mẹ cho con, chấm dứt việc nuôi con nuôi[5].

– Hiện nay, do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân không được thực hiện quyền yêu cầu nữa, do đó, dự thảo Luật HN&GĐ đã phải thu hẹp phạm vi chủ thể được gián tiếp yêu cầu Tòa án giải quyết một số vụ việc HN&GĐ liên quan đến quyền trẻ em. Theo quan điểm của chúng tôi, xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ lợi ích công. Mặt khác, họ là những người am hiểu về mặt pháp luật, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ có tính khả thi cao. Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự nên sửa đổi, bổ sung để Viện kiểm sát vẫn có quyền khởi tố vì lợi ích công trong một số trường hợp nhất định, để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức xã hội phát huy tốt vai trò xã hội của mình, được phép đề nghị Viện Kiểm sát xem xét và yêu cầu Toà án giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền trẻ em. Hoặc trong khi pháp luật tố tụng chưa sửa đổi kịp thời thì nên cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em được trực tiếp yêu cầu Toà án giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

– Xét trong các quan hệ Hôn nhân và gia đình cụ thể, có thể dễ minh chứng hơn cho kiến nghị này phù hợp cả về lý luận và thực tiễn:

  • Đối với quyền khởi kiện huỷ việc kết hôn trái pháp luật, mà đặc biệt là vi phạm về độ tuổi kết hôn thì hành vi tảo hôn của nam nữ thường có sự tác động nhất định của cha mẹ và người thân thích, do đó, bản thân họ và gia đình thường không tự mình khắc phục hậu quả như yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Việc đưa các tổ chức xã hội vào diện những chủ thể được quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do tảo hôn và vi phạm các điều kiện kết hôn khác là hoàn toàn hợp lý. Đảm bảo kịp thời quyền trẻ em bị xâm hại.
  • Đối với quyền khởi kiện hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, mà đặc biệt là sự lạm quyền của cha mẹ đối với con về thể chất và tinh thần là rất khó phát hiện và can thiệp kịp thời nếu không có các tổ chức xã hội hoạt động sâu rộng ở cơ sở. Do đó, một lần nữa cần bổ sung thêm các tổ chức xã hội vào diện được quyền khởi kiện để hạn chế quyền của cha mẹ đối với con cho kịp thời nhằm đảm bảo tốt nhất quyền trẻ em.
  • Đối với quyền khởi kiện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà đặc biệt là cấp dưỡng giữa cha mẹ và con: Hiện nay, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là phổ biến trong xã hội, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, vi phạm các quyền cơ bản của trẻ em. Do đó, khi những người thân thích của trẻ em không còn hoặc không đủ điều kiện yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với bên trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì việc quy định các tổ chức xã hội được quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện xã hội hiện nay.
  • Xuất phát từ sứ mệnh, tầm nhìn và chức năng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Về Sứ mệnh: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội nhằm tập hợp, đoàn kết những cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản, tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em.

Về Tầm nhìn: Phát triển Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển hài hòa và tham gia bảo vệ, chống lại các vi phạm quyền trẻ em.

Về Nhiệm vụ: Tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em; có chính kiến về những vụ việc vi phạm quyền trẻ em và tham gia ngăn chặn mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật; Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án, cung cấp dịch vụ nhằm bảo vệ quyền trẻ em, hỗ trợ trẻ em chưa được hưởng các quyền cơ bản, có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt …

  1. Về Điều 85 (Dự thảo về việc chăm nom nuôi dưỡng con sau ly hôn)

2.1. Đối với khoản 2: Đề nghị hạ tuổi của trẻ em trong việc xem xét đến nguyện vọng của trẻ em khi giải quyết một số các quan hệ hôn nhân và gia đình liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

+ Cơ sở lý luận:

– Trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi có quy định một số quan hệ hôn nhân và gia đình khi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em thì trẻ em đó có quyền được bày tỏ ý kiến và ý kiến này được xem xét dựa trên lợi ích của trẻ em đó. Theo quy định của các điều Luật này con từ chín tuổi trở lên được bày tỏ nguyện vọng của mình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ xem xét đến nguyện vọng đó. Có nghĩa là, việc bày tỏ ý chí của trẻ em từ chín tuổi trở lên không mang tính quyết định trong việc giao con cho ai nuôi khi cha mẹ ly hôn hay thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn mà việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của con mới là yếu tố quyết định. Do đó, việc hạ thấp độ tuổi của trẻ em được bảy tỏ ý chí trong một số quan hệ hôn nhân và gia đình không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

– Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định một trong các quyền cơ bản của trẻ em là được bảy tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm[6].

– Đảng và nhà nước đưa ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, do đó, trong hơn thập niên vừa qua, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em đã có sự phát triển rõ rệt. Đến tuổi vào tiểu học, trẻ em đã bắt đầu nhận ra sự tồn tại của các quan điểm, cách nhìn khác với mình.

+ Cơ sở thực tiễn:

Qua tiến hành thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu các đối tượng khác nhau như trẻ em, người lớn (hoạt động trong các lĩnh vực xã hội khác nhau), kết quả cho thấy hầu hết các đối tượng được nghiên cứu đều có đồng ý với việc hỏi ý kiến của trẻ em trong các vụ việc cha mẹ ly hôn nhưng có đến“90% đều nhất trí việc quy định tham khảo ý kiến của con từ 9 tuổi trở lên không còn phù hợp trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, vì xã hội phát triển hơn, trẻ được sống trong môi trường có thể tiếp cận nhiều kênh thông tin, được đọc nhiều báo, học hỏi từ nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng khôn hơn trẻ ngày xưa. Việc học tập của trẻ ngày nay cũng tốt hơn, học được quyền và kỹ năng sống nên thông minh hơn, khôn hơn, hiểu biết cũng nhanh hơn, nên độ tuổi này theo các cô chú anh chị là giảm xuống”[7].

Vì vậy, cần hạ tuổi của trẻ em xuống 6 hoặc 7 tuổi trong việc bày tỏ ý kiến để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ việc ly hôn vì trẻ em đã có hiểu biết và năng lực để phát biểu về nguyện vọng của mình

2.2. Về khoản 3: Đề nghị điều chỉnh, không dùng cụm từ “con dưới 3 tuổi” mà thay vào cụm từ “con dưới 36 tháng tuổi” được giao cho mẹ nuôi.

Về mặt lý luận, cách dùng cụm từ “36 tháng tuổi” bảo đảm khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ.

Về mặt thực tiễn: nhằm đảm bảo tính chính xác và thống nhất trong thực thi pháp luật, tránh trường hợp hiểu và vận dụng không đúng khi tính tuổi của trẻ.

  1. Điều 59 (Dự thảo về nguyên tắc chia tài sản sau khi ly hôn)

Tại khoản 2, đề nghị sau cụm từ “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc” cần bổ sung cụm từ “phải khấu trừ để cấp dưỡng nuôi con” về quy định khấu trừ tài sản để cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn

Cơ sở lý luận và thực tiễn:

+ Theo quy định của pháp luật, việc xác định mức cấp dưỡng nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn là căn cứ vào thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu lợi ích của người con. Tuy nhiên, sau khi cha mẹ ly hôn, người không trực tiếp nuôi con tái hôn, do đó, tài sản do họ tạo ra thuộc về hôn nhân (là tài sản chung của vợ chồng), trong khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con riêng thuộc nghĩa vụ riêng của họ, về nguyên tắc, họ phải dùng tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mà không được phép lấy tài sản chung của vợ chồng khi chồng hoặc vợ của họ không đồng ý. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần kể đến những trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng là lao động tự do, thu nhập không ổn định và khó kiểm soát, có trường hợp cố tình trốn tránh trách nhiệm, coi thường pháp luật của một số đương sự nên đã họ đã vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy, việc khấu trừ tài sản chung của vợ chồng trước khi chia tài sản chung khi ly hôn sẽ là biện pháp tối ưu cho việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, làm giảm thiểu gánh nặng cho cơ quan thi hành án. Số tiền này có thể mở tài khoản cho người con tại ngân hàng hoặc vợ chồng thoả thuận người quản lý tài sản cho con.

+ Về vấn đề này, qua các hoạt động thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu đối với trẻ em và các cán bộ, người dân ở một số địa phương, có rất nhiều ý kiến cho rằng nên đưa vào Luật việc phân chia tài sản cho các con khi cha mẹ ly hôn để bảo đảm việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho trẻ đến khi trưởng thành[8]. Khi được hỏi là “vấn đề chia tài sản khi ly hôn có cần thiết phải trừ đi một khoản chi phí phù hợp để đảm bảo việc nuôi con hay không? (Trường hợp vợ/chồng có đủ điều kiện) thì có đến 90% số người được hỏi trả lời là có[9]. Để diễn giải thêm cho vấn đề này, một số cán bộ thi hành án của cơ quan thi hành án nhận định “đây là vấn đề quan trọng, cần thiết phải khấu trừ cho con sau khi chia tài sản của bố mẹ khi ly hôn. Đặc biệt, sau khi khấu trừ cho con, nghiêm cấm sử dụng phần tài sản này của con. Bởi vì thực tiễn công tác thi hành án cho thấy, các vụ việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn rất khó thực hiện, dù đã có quyết định của Tòa án, dù cho người bố hoặc người mẹ có đủ điều kiện để cấp dưỡng. Mặt khác số tiền cấp dưỡng hàng tháng không nhiều nên rất khó đòi. Người thường trốn tránh nghĩa vụ thường là người bố. Nguyên nhân chủ yếu là không quan tâm đến con và có cuộc sống mới nên bỏ bê nghĩa vụ”[10].

+ Trong thực tiễn hoạt động, kiểm tra, thanh tra thi hành án dân sự về hôn nhân gia đình của Ủy ban dân số gia đình và trẻ em trước đây và Cục thi hành án dân sự Bộ tư pháp và thực tế giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân gửi đến Hội từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ thi hành án cấp dưỡng nuôi con đạt tỷ lệ rất thấp. Vì vậy trẻ em trong các gia đình sau ly hôn gặp nhiều khó khăn về cuộc sống và phát triển nhiều trẻ em trong số đó bỏ học, lang thang, có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Vì những lý do trên, đề nghị phải khấu trừ tài sản chung của vợ chồng cấp dưỡng nuôi con trước khi chia tài sản thành một nguyên tắc trong quy định chia tài sản để bảo đảm các quyền được chăm sóc, bảo vệ và phát triển của trẻ em.

  1. Điều 89 về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

4.1. Về tiêu đề của Điều 89, đề nghị sửa thành “căn cứ hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên” để không trùng với tiêu đề của tiểu mục 3

4.2. Về khoản 1 đề nghị bổ sung một cụm từ “thuộc một trong các trường hợp” vào sau cụm từ “cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên” thành “cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây” .

Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến cách hiểu “cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:” sẽ dẫn đến cách hiểu là chỉ khi cha, mẹ vi phạm tất cả các trường hợp đó thì mới bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Như vậy là không đảm bảo quyền trẻ em. Do đó khoản 1 điều 89 cần sửa lại là “cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:” nhằm tránh sự lạm quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên trong đó chủ yếu là đối với trẻ em.

  1. Về chương II. Kết hôn

5.1. Đề nghị xây dựng một điều mới về hủy kết hôn trái pháp luật trên cơ sở giữ lại Điều 16 Luật hiện hành

Trong dự thảo luật Hôn nhân và gia đình không còn điều luật quy định về căn cứ huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Theo quan điểm của chúng tôi là không hợp lý mà dự thảo Luật nên cân nhắc đưa thêm vào một điều luật về căn cứ huỷ việc kết hôn trái pháp luật như một số dự thảo trước đây và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định để người dân nói chung và trẻ em nói riêng ý thức được những điều nên tránh khi có ý định bước vào quan hệ hôn nhân. Mặt khác, làm cơ sở cho việc khởi kiện huỷ việc kết hôn trái pháp luật, đặc biệt là chủ thể kết hôn là trẻ em bị cưỡng ép kết hôn…

5.2. Đề nghị xây dựng một khoản trong điều mới này về quy định ưu tiên đối với phụ nữ trong quan hệ hôn nhân trái pháp luật đang mang thai. Khi cha mẹ bị huỷ việc kết hôn trái pháp luật, dự thảo luật không có quy định về ưu tiên người phụ nữ trong quan hệ kết hôn trái pháp luật khi họ đang có thai (ưu tiên về nơi ở, về tài sản)… do đó, cần bổ sung vì điều này là gián tiếp đảm bảo quyền của trẻ em.

Trên đây là những khuyến nghị về vấn đề sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

[1] Nghiên cứu tiến hành ở các tỉnh Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng

[2]Theo kết quả khảo sát ở một số tình thành trong cả nước (Bắc Giang, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng), cho thấy các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em tham gia tích cực chiếm trên 90% số người được hỏi; Sự cần thiết phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em cũng chiếm hơn 90%; Hoạt động của hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mang lại lợi ích cho trẻ em cũng chiếm từ 80% đến 90% số trẻ em được hỏi. Đối với cán bộ chuyên môn, có kiến thức về mặt pháp lý cũng đồng tình với quy định tổ chức xã hội có quyền yêu cầu Toà án can thiệp bảo vệ quyền trẻ em. (chiếm từ 66% đến 100%).

[3]Theo biên bản thảo luận nhóm dành cho lãnh đạo, cán bộ ban ngành và đoàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 27/12/2013);  Theo Biên bản thảo luận nhóm dành cho trẻ em và người dân được tổ chức vào ngày 28/12/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều trẻ em đã thể hiện ý kiến của mình rằng “Trong hoạt động của các tổ chức xã hội  này, tất cả các em (chiếm 100%) cho là có mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Các em thấy các cô chú hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em học tại các lớp học tình thương, cho các em sách vở, học bổng..v.v. các cô chú gần gũi với các em; Các em cũng kể ra một số tổ chức xã hội mà các em được nghe và được biết như: Hội bảo vệ quyền trẻ em, hội trẻ em khuyết tật, hội phụ nữ và Unicef. Các tổ chức xã hội trên đã hỗ trợ những gì cho trẻ: Tất cả các em đều cho rằng họ giúp cho những trẻ gặp khó khăn về giấy tờ tùy thân, hỗ trợ trẻ về thực phẩm như: mì gói, gạo, cấp học bổng cho trẻ tiếp tục tới trường, giúp trẻ có cơ hội học nghề, tìm việc làm.” Đối với người dân, nhiều ý kiến cũng cho rằng Đa số người dân tham gia đều cho rằng nên đưa các hội có liên quan tới trẻ em vào luật, để hội bảo vệ và đòi quyền lợi cho trẻ, vì hội gần và nắm được thông tin cụ thể về hoàn cảnh và thực tế của trẻ, hội sẽ góp ý và đưa ra những ý kiến phản ánh chính xác về trẻ, đem lại lợi ích và quyền cho trẻ”.

[4]Điều 9, 39 Luật HN&GĐ năm 1986

[5] Điều 15, 42, 55, 66, 77 Luật HN&GĐ năm 2000

[6]Điều 20 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004

[7] Biên bản thảo luận nhóm dành cho trẻ em và người dân được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/12/2013

[8]Theo biên bản họp nhóm thảo luận góp ý kiên dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi ngày 7/1/2014 tại Thành phố Đà Nẵng.

[9] Theo bảng tổng hợp phiếu khảo sát được thực hiện tại Bắc Giang tháng 1/2014

[10] Theo báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận nhóm tại tỉnh Bắc Giang tháng 1/2014

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *